Skip to content

Xây dựng sự tự tin sáng tạo

Sáng tạo là khả năng tự nhiên của mỗi con người chúng ta [1], nhưng tại sao khi trưởng thành, chúng ta dường như ít sáng tạo hơn (hay chính bản thân chúng ta tự nghĩ như vậy). Vậy đâu là trở ngại cho chúng ta trong quá trình sáng tạo? Chính bản thân chúng ta không có sự tự tin hay môi trường xung quanh chúng ta không ủng hộ việc sáng tạo? Mời bạn cùng FiNNO đồng hành trong hành trình tìm hiểu và phát sự tự tin sáng tạo trong mỗi chúng ta:

“Điều gì làm nên một con người sáng tạo?” hay “Điều gì thúc đẩy chúng ta sáng tạo?”?

Ngay từ bé, đôi lúc bản thân chúng ta đã làm phiền các bậc phụ huynh rất nhiều bởi những trò “khỉ”: tháo tung bất cứ thứ gì để quan sát chúng hoạt động, nói chuyện với những người bạn tưởng tượng của mình, đứng trước hiên nhà dùng sào tre quạt nước mỗi khi trời mưa tưởng tượng đang là một thuyền trưởng điều khiển thuyền qua sóng lớn,… Trí tưởng tượng của tuổi thơ luôn luôn dồi dào và tràn đầy năng lượng. Nhiều sáng kiến, khám phá của tuổi thơ có thể khiến chúng ta bật cười khi nghĩ về nó – ở thời điểm hiện tại – vì sự ngây ngô và hồn nhiên của mỗi chúng ta. Thực tế chỉ ra rằng, tinh thần sáng tạo không phải đặc điểm riêng của bất kì cá nhân nào, mà đó là món quà tự nhiên ban cho mỗi chúng ta, vì thế, liệu có đúng nếu ai đó tự nhận “Tôi là một con người sáng tạo”?

Sáng tạo, về bản chất đó là khả năng tự nhiên của mỗi con người, và sẽ phát triển theo từng thời kì trưởng thành của từng cá nhân. Nhưng trên thực tế, đôi khi bản thân mỗi chúng ta cảm thấy bản thân thiếu đi sự sáng tạo, vậy tại sao điều này lại xảy ra? Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng giáo sư Teresa Amabile tìm hiểu đâu là các thành phần làm nên sự sáng tạo của mỗi cá nhân [2]. Theo giáo sư Amabile, sự sáng tạo của mỗi cá nhân được tổng hòa từ 3 thành phần cơ bản:

  1. Chuyên môn: là tri thức của mỗi cá nhân tích lũy được thông qua học tập và làm việc.
  2. Kỹ năng tư duy sáng tạo: kỹ năng tư duy sáng tạo được xác định thông qua việc cá nhân tiếp cận với vấn đề với sự linh hoạt và tưởng tượng như thế nào? Giải pháp được đưa ra có phá vỡ trạng thái hiện tại không đổi?
  3. Động lực: Có 2 loại động lực: bên trong và bên ngoài và 2 loại này không được đối xử như nhau. Động lực giải quyết vấn đề bên trong cá nhân có thể tạo ra những giải pháp rất sáng tạo, so với những động lực bên ngoài: tiền bạc, chức vụ,… Đây được gọi là động lực nội tại, và có thể được thúc đẩy (hoặc bị đè nén) bởi môi trường làm việc
FiNNO - 3 thành phần của sáng tạo
3 thành phần của sự sáng tạo

Bắt đầu tự xây dựng “cơ bắp” sáng tạo

Như phần trên chúng ta đã thảo luận, sự sáng tạo cá nhân được cấu thành từ 3 thành phần: Chuyên môn, Kỹ năng Tư duy Sáng tạo và Động lực. Với mỗi một cá nhân, tiếp nhận sự giáo dục và tự giáo dục khác nhau, vì thế Chuyên môn mỗi cá nhân chúng ta đều có phần khác nhau về nền tảng, có một điểm chung duy nhất đó là: chúng ta phải tiếp tục học tập không ngừng để nâng cao Chuyên môn. Kỹ năng Tư duy Sáng tạo là các phương pháp, công cụ hỗ trợ cho sự sáng tạo mỗi cá nhân, những thứ này có thể học thông qua các phương tiện hiện tại (có thể tham khảo mô tả khóa học về Tư duy Thiết kế của FiNNO). Tuy nhiên, để phát triển Động lực hay nên nói chính xác hơn Động lực Nội tại, bản thân mỗi chúng ta phải tự vận động. Vậy làm thế nào để phát triển các “cơ bắp sáng tạo” trong mỗi chúng ta?

a. Vượt qua bức tường của vùng an toàn

Đây là điều mà tất cả những quyển sách self-help đều lặp đi lặp lại: “Bước ra khỏi vùng an toàn”, với nhiều cách diễn giải khác nhau, các quyển sách trên vẽ ra các bức tranh tuyệt đẹp khi chúng ta ra khỏi “comfort zone”: thành công hơn, sáng tạo hơn,… Những điều đó không sai, nhưng tại sao để có thể tăng cường “cơ bắp” sáng tạo chúng ta phải ra khỏi vùng an toàn?

Một vùng an toàn đối với mỗi người thì có một quan niệm khác nhau, nhưng những môi trường (dù phát triển hay kìm hãm) tạo cảm giác an toàn cho chúng ta, sẽ tạo ra một lực “ì” đè nặng lên tâm lý. Biểu hiện của tính “ì” có thể: lâu nay chúng ta vẫn chưa có một ý tưởng mới nào; hay chúng ta nhìn mọi vấn đề với cùng một lăng kính; hay cách giải quyết các vấn đề của chúng ta đều giống nhau trong mọi trường hợp; hay hầu hết thứ chúng ta trao đổi với bạn bè không phải về ý tưởng mới;…

Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân

Bước ra ranh giới của vùng an toàn của bản thân là bước đầu tiên, với rất nhiều lợi ích khác nhau. Thứ nhất, việc này giúp chúng ta có thêm góc nhìn mới đối với các vấn đề: trí tò mò của chúng ta sẽ bị thử thách, óc quan sát của chúng ta sẽ “mẫn cảm” hơn, chúng ta tiếp thu được nhiều ý tưởng mới (đến đây FiNNO xin giới thiệu 2 quyển sách tranh biện về chủ đề này của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần: “Tôi tự học”Óc sáng suốt). Thứ hai, vùng an toàn của bản thân đôi khi khiến chúng ta sợ việc bắt đầu làm một điều gì đó mà bản thân hiện tại mong muốn nhưng chưa làm được, bước ra khỏi đó, là một bàn đạp để thúc đẩy bản thân vượt qua sự sợ hãi và làm những điều mà bản thân mong muốn để phát triển

Nếu bạn đang trong một môi trường khiến bạn cảm giác bị kìm hãm thì rời khỏi đó là một nước đi không tồi. Tuy nhiên với một môi trường hỗ trợ bạn phát triển, để phát triển các cơ bắp sáng tạo hãy tự tạo ra những thử thách sáng tạo để bản thân luyện tập: dọn dẹp lại góc làm việc, luyện tập trình bày ý tưởng bằng hình ảnh, trao đổi ý tưởng với bạn bè,…

b. Thất bại cũng chỉ là một lựa chọn

FiNNO chọn câu này từ Elon Musk để mở đầu phần này: “Thất bại cũng chỉ là một lựa chọn. Chúng ta không đủ sáng tạo và đổi mới nếu như chưa nếm qua mùi thất bại”.

Không có ý tưởng sáng tạo nào toả sáng trên thực tế mà người tạo ra chúng chưa trải qua bất kì thất bại nào. Anh em Orville và Wilbur Wright mất nhiều năm hình thành và cải tiến trước khi máy bay có thể cất cánh lần đầu tiên vào năm 1903, chứng minh rằng: Con người chưa thể bay lượn trên không vì chúng ta chưa tìm được cách đúng. Hàng chục triệu đô đã “tan xác pháo” khi những tên lửa Falcon của SpaceX phát nổ khi hạ cánh trở lại mặt đất nhằm chứng tỏ khả năng hiện thực của ý tưởng: Tên lửa đẩy dùng nhiều lần có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD so với tên lửa đẩy dùng 1 lần. Trong hành trình của nhân loại, không ít những thất bại trở thành bài học giúp các vĩ nhân ghi tên tuổi với những ý tưởng vĩ đại của họ.

Thất bại cũng chỉ là một lựa chọn

Một lời khuyên được nhắc đi nhắc lại thường xuyên đó là: Hãy xem thất bại là một bài học. Lời khuyên này vừa dễ nói, vừa khó thực hiện vì cảm xúc khi gặp thất bại của của chúng ta dễ dàng bị xâm chiếm bởi cảm xúc tiêu cực. Một phương pháp giảm cảm xúc tiêu cực khi trải nghiệm thất bại đó là: “Nghĩa trang thất bại” – một quyển sổ, tờ giấy, ứng dụng hay bất kì có thể ghi chép được và đó là nơi sẽ giải tỏa cảm xúc, trải nghiệm, bài học của chúng ta. Khi chúng ta có thể viết được, chúng ta có thể giải tỏa được năng lượng tiêu cực.

c. Bài học sáng tạo 101: Đừng ghi ý tưởng, hãy vẽ nó

Một cách để luyện cho các “cơ bắp sáng tạo” trở nên cứng cáp hơn đó là luyện tập thể hiện ý tưởng bằng hình ảnh một cách thường xuyên. Và ở đây, chúng ta không tập trung vào tính nghệ thuật của việc vẽ, mục đích của việc vẽ trong trường hợp đó là tăng hiệu quả của việc giao tiếp [1].

Một trong các bài hướng dẫn kỹ năng vẽ giao tiếp và lợi ích của việc vẽ trong việc thể hiện và trình bày ý tưởng của Dan Roam

Biểu diễn ý tưởng bằng hình ảnh kết hợp với các kỹ thuật trực quan hóa ý tưởng khác như: bản đồ tư duy,… có thể được sử dụng để trình bày, ghi chú ý tưởng. Vậy trực quan như thế nào?

FiNNO - Xây dựng nền tảng tư duy sáng tạo
Một số việc chúng ta có thể làm để xây dựng nền tảng tư duy sáng tạo

Bài học ở đây

Trước khi chúng ta tạm kết lại bài viết “Xây dựng sự tự tin sáng tạo”, có một vấn đề, đây là chủ đề cần được thảo luận rất nhiều, và còn rất nhiều chủ đề vẫn chưa được chúng ta thảo luận. Để có được thêm góc nhìn về Tự tin Sáng tạo hãy tìm đọc quyển sách cùng tên của bộ đôi tác giả Tom và David Kelley [1]. Vậy có thể tạm kết lại nội dung của bài viết như sau:

  1. Sáng tạo là khả năng tự nhiên của mỗi chúng ta, và được cấu thành bởi 3 yếu tố: Chuyên môn, Kỹ năng Tư duy Sáng tạo và Động lực.
  2. Thúc đẩy động lực sáng tạo bản thân: Bước ra khỏi vùng an toàn, Xem thất bại như là một lựa chọn thông thường và Luyện tập thường xuyên bằng cách hình ảnh hóa các ý tưởng.
  3. Nên nhớ: Luyện tập giúp ta tốt hơn. Practice makes perfect

Tự tin Sáng tạo trong thực tế

a. Embrace Innovation và hành trình “lồng ấp mini”

Trong quyển sách Tự tin sáng tạo, các tác giả đã đề cập đến các trường hợp startup thành công xuất phát từ các lớp học về tư duy thiết kế tại Stanford d.school, dưới đây là một trong những trường hợp như thế. Embrace Innovation là một startup ra đời ban đầu với sản phẩm lồng ấp trẻ em nhỏ gọn, sản phẩm hiện đã và đang hỗ trợ các bác sĩ và chuyên viên y tế tại các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển trong việc giúp đỡ các thai nhi sinh non thiếu tháng giữ ấm, kéo giảm tỉ lệ tử vong do sinh non ở trẻ em các vùng không tiếp cận được các dịch vụ y tế đặc thù. Qua ví dụ của Embrace Innovation, ta có thể thấy, nếu sự tự tin sáng tạo được xây dựng trong mỗi cá nhân, thì dù chúng ta không đến từ các lĩnh vực đặc thù (ví dụ như y tế) vẫn có thể tạo ra những sản phẩm đột phá, giải quyết các vấn đề nhức nhối của xã hội.

Câu chuyện về Embrace Innovation, một trong các dự án đi ra từ các khóa học sáng tạo tại Stanford d.school

b. Edwin Land và máy chụp hình lấy ngay Polaroid

Ngay trước thời đại của máy ảnh kỹ thuật số, việc chụp ảnh là một quy trình vất vả: chụp hình, lấy phim đưa vào phòng tối xử lý, sau đó chúng ta mới có một bức ảnh. Năm 1947, Edwin H. Land đã trình bày về một sản phẩm, hay chính xác hơn là một khái niệm: Máy ảnh lấy ngay, trải qua hàng nghìn thí nghiệm, mẫu thử khác nhau, đặt nền móng cho cho sự hình thành nhãn hiệu Polaroid lừng danh thế kỷ XX và là nguồn cảm hứng cho những nhà đổi mới sau này, tiêu biểu là Steve Jobs.

Tham khảo

  1. Tự tin sáng tạo – Tom Kelley và David Kelley
  2. Amabile, T. M. How to Kill Creativity. (Tạm dịch: Làm thế nào để giết chết sự sáng tạo) Harvard Business Review 76, no. 5 (September–October 1998): 76–87.

Ý tưởng & Nội dung: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Dũng,

Biên tập và hình ảnh: Thanh Ho

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *