Skip to content

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Càng cụ thể, càng hiệu quả

Trong một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm sao để khai thác hết các nguồn lực, tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các thành tố… Đó là cách diễn giả Trương Thanh Hùng đặt vấn đề để tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để xây dựng một hệ sinh thái hiệu quả?

FiNNO - Ông Trương Thanh Hùng phát biểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ông Trương Thanh Hùng phát biểu về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, ông Trương Thanh Hùng đã trở thành cái tên quen thuộc trên các diễn đàn chia sẻ về khởi nghiệp ở Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trong khu vực miền Trung. Ông là đồng sáng lập và điều hành FiNNO Venture, một tổ chức chuyên về đào tạo, cố vấn và đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là một trong những chuyên gia cố vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP). Nhiều năm lăn lộn trong vai trò tư vấn cho các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới ở các địa phương, Trương Thanh Hùng luôn mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm làm sao để mỗi hệ sinh thái được hình thành đều đạt hiệu quả thực sự.

“Theo tôi, chúng ta phải hiểu rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả chính là một môi trường có những thành tố tập trung hỗ trợ một cách tích cực cho các cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp. Hành trình để xây dựng và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giống như hành trình để phát triển một doanh nghiệp khởi nghiệp. Do vậy, muốn xây dựng một hệ sinh thái hiệu quả thì phải tập trung giải quyết những vấn đề mà một doanh nghiệp khởi nghiệp cần trong từng giai đoạn phát triển của nó để hỗ trợ kịp thời”

Phát biểu của ông Trương Thanh Hùng

Tuy nhiên, nhiều người nghe đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng lại thực sự không hiểu đó là cái gì, có những ai trong đó và nó được vận hành như thế nào? Trong khi đó, những thông tin trong hệ sinh thái lại rất cần sự cụ thể và càng cụ thể càng tốt, để mỗi cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm được sự hỗ trợ khi cần. Ông Trương Thanh Hùng gợi ý: Trước tiên, cần sự cụ thể trong mọi việc. Trong hệ sinh thái, vai trò hỗ trợ đầu tiên thuộc về các tổ chức Nhà nước và tư nhân. Sở Khoa học và Công nghệ có thể kiến tạo môi trường và bước đầu kết nối các nguồn lực khác để hỗ trợ cho các cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp. Rất nhiều nhu cầu mà cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ, như: tư vấn về sở hữu trí tuệ, tư vấn đăng ký nhãn hiệu, hỗ trợ công bố chất lượng sản phẩm, cách thức đăng ký mã QR, mã vạch cho sản phẩm… Vấn đề quan trọng mà hệ sinh thái phải đảm bảo là, chỉ cần có nhu cầu, các cá nhân/doanh nghiệp sẽ biết liên hệ cá nhân/cơ quan nào để được hỗ trợ.

Ông Hùng cũng cho rằng, Thừa Thiên Huế cần thiết nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng cách nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, vai trò của mỗi thành tố trong môi trường chung của hệ. Trong đó, tự thân mỗi thành tố phải hiểu được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là gì và vai trò của họ trong đó như thế nào. Các cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải nhận diện được những thành tố cần có trong một hệ sinh thái, xác nhận họ bao gồm những ai, cụ thể là tổ chức, đơn vị, cá nhân, chuyên gia hay nhà đầu tư nào, và định vị họ cụ thể trong bản đồ của hệ sinh thái. Họ chính là những yếu tố quan trọng để hỗ trợ, tiếp sức để các ý tưởng/dự án khởi nghiệp thông qua các cuộc thi. Nghĩa là, từ kết quả của các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những ý tưởng/dự án đã được sàng lọc, đánh giá cao tiếp tục được các thành tố trên hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, tăng khả năng thương mại hóa và tăng khả năng sinh tồn trên thị trường.

“Và những ai có thể trở thành những thành tố quan trọng này, cũng như họ có thể đóng góp vào giai đoạn phát triển nào của một dự án khởi nghiệp, đó là những vấn đề mà hệ sinh thái phải xác định rõ. Một trong những đặc trưng của một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả là tính sẵn có. Nghĩa là, mọi đầu mối, mọi thông tin của mỗi thành tố liên quan đến vai trò, nhiệm vụ và năng lực… đều được tập hợp, cập nhật đầy đủ và luôn ở trạng thái sẵn sàng kết nối, hỗ trợ. Những thông tin này càng nhiều, càng hoàn thiện và càng cụ thể thì hệ sinh thái ấy càng có hiệu lực”, ông Trương Thanh Hùng nói.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN, nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Hiệu chỉnh: FINNO.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *